Related

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Tạm dừng dự án của Công ty Hà Thành

Tạm dừng dự án của Công ty Hà Thành

Báo Người cao tuổi - 1 tháng trước 83 lượt xem
Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh của công ty Hà Thành thuộc (Bộ Quốc phòng) theo quyết định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh kí trên cơ sở đơn kiến nghị của ông Giang Tiến Dũng, cựu Giám đốc công ty Long Giang (nay là công ty Hà Thành) và nhóm CBCNV Công ty Long Giang.
Theo đơn phản ánh: Công ty Long Giang được thành lập theo quyết định số 435/QĐ – QP ngày 3-8-1993 của Bộ Quốc phòng là doanh nghiệp Nhà nước chuyên làm kinh tế. Vốn kinh doanh (ngân sách và tự bổ sung) là 422 triệu đồng. Ngày 27-9-1993, Công ty Long Giang nhận hợp đồng chuyển nhượng tài sản thanh lí công trình, vật kiến trúc trên diện tích đất Trường Trung học Kỹ thuật in của Bộ Văn hóa - Thông tin, số tiền Công ty Long Giang phải trả cho trường là hai tỉ đồng.
Ngày 27-7-1994, Công ty Long Giang có Tờ trình số 214/TT trình Luận chứng Kinh tế- Kĩ thuật được Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô phê duyệt với mục đích làm hạ tầng, nhà xưởng, còn lại 23.150 m2 làm nhà biệt thự kinh doan. Phương thức huy động vốn từ cán bộ CNV, vốn góp tôn tạo của các cá nhân khác.
Ngày 12-7-1995 UBND tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định số 1231/QĐ- UB phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu nhà ở và xưởng sản xuất của công ty Long Giang. Hồ sơ được duyệt bao gồm bản vẽ QH 01 và QH 02 được công ty tư vấn xây dựng Vĩnh Phú lập tỉ lệ 1/500 với tổng diệt tích là 36.600 M2 đất. Quy mô đầu tư xây dựng theo luận chứng KTKT đã được Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô duyệt. Ngày 28-7-1995 Công ty Long Giang được Sở xây dựng tỉnh Vĩnh Phú cấp giấy phép xây dựng số 25/GPKD trên khu đất 3,6 ha theo quy hoạch.
Từ năm 2004 khi Công ty Long Giang sáp nhập vào Công ty Thăng Long đổi tên thành công ty Hà Thành theo quyết định của Bộ Quốc phòng, ông Giang Tiến Dũng cựu giám đốc Công ty Long Giang cho biết: Năm 1999 Tư lệnh Quân khu Thủ đô đồng ý cho huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước, không sử dụng vốn của quân đội, huy động từ vốn vay, vốn của 135 cán bộ, công nhân viên đóng góp để thuê 3,6 ha đất. Tại thời điểm đó giá trị đất 381.000đ/m2 sau khi đã làm xong hạ tầng. Số vốn để thực hiện dự án đến năm 1998 tổng giá trị đầu tư 17 tỉ đồng, đất chia lô nhưng vì hai bên không được bàn giao và cán bộ chủ chốt bị điều chuyển đi đơn vị khác nên vụ việc trở thành phức tạp kéo dài.
Ông Phạm Công Mão công nhân công ty Long Giang bức xúc nói: CBCNV chúng tôi đã đóng góp vào khu đất này với hi vọng sau này mỗi người được một mảnh đất để ở. Nhưng công ty Hà Thành đã bán cho những người không có đóng góp ban đầu. Không đoái hoài gì đến chúng tôi. Mặt khác, ngay sau khi sáp nhập 3,6 ha đất tại thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, không được đầu tư sản xuất mà Công ty Hà Thành đã điều chỉnh quy hoạch thành khu đô thị. Ông Nguyễn Lê Sơn, giám đốc Công ty Hà Thành cho biết: Khu đất 3,6ha của Công ty Long Giang là đất nhà nước, không có khế ước nhận tiền của Công ty Long Giang với những người cho vay. Việc này đã được Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô giải quyết tại quyết định số 950 đối với anh Giang Dũng. Bộ Quốc phòng đã đồng ý với đề nghị xin chuyển mục đích xử dụng của 3,6 ha đất quốc phòng sang làm đất ở, giao cho Cty TNHH một thành viên Hà Thành làm chủ đầu tư chưa rao bán lô đất nào.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư cung cấp hồ sơ gồm có: Xác nhận đăng kí mua nhà, thỏa thuận vay tiền ghi rất rõ “Căn cứ QĐ số 1231/QĐ – UB ngày 12-7-1995 của UBND tỉnh Vĩnh Phú về việc duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu ở của Công ty Long Giang (nay là Công ty Hà Thành) thuộc quân khu Thủ đô trên khu đất tiếp nhận của trường Trung học in Bộ Văn hóa”; “Căn cứ QĐ 1798 ngày 26-12-2009 Giám đốc Công ty Hà Thành – BQP giao nhiệm vụ cho Xí nghiệp 4 – Công ty Hà Thành thực hiện triển khai dự án khu đất của Công ty tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội”. Giao dịch trên đều do xí nghiệp 4 Công ty Hà Thành (ông Nguyễn Đức Hoàn là giám đốc) giao dịch với số tiền của nhiều cá nhân tham gia ban đầu là 300triệu đồng. Các giao dịch trên phát sinh vào thời điểm 2010 khi thị trường bất động sản đang rất nóng. Nên trong văn bản giấy tờ chỉ thể hiện tiền thực nộp cho xí nghiệp 4 còn hầu hết họ đều phải trả thêm giá chênh lệch. Việc Công ty Long Giang mua khu đất 3,6ha của trường trung học in không ai có thể phủ nhận. Thành lập tháng 8-1993 với số vốn 422 triệu đồng, tháng 9-1993 công ty Long Giang mua khu đất trên với giá 2 tỉ đồng. Bộ Quốc phòng, Quân khu Thủ đô không cấp ngân sách thì số tiền trên ở đâu mà có nếu không phải là đi vay và huy động của CBCNV? Năm 1998 Công ty Long Giang đầu tư hạ tầng nhiều tỉ đồng nữa? Giữa Công ty Long Giang và Công ty Hà Thành cụ thể là ông Giang Dũng và Ông Lê Sơn cũng chưa bàn giao tài chính. Tại sao nhà đầu tư xác nhận đăng kí mua nhà, thỏa thuận vay tiền với xí nghiệp 4 Công ty Hà Thành rồi rao bán trên mạng phải chăng là Công ty Hà Thành “lách luật” bằng cách chuyển cho doanh nghiệp “sân sau”?
Nhiều cán bộ, công nhân viên của Công ty Long Giang phải đi “gõ cửa” khắp nơi vẫn không biết tiền của họ cho công ty Long Giang vay để mua đất thì đòi ai? Khu đất dự án trên có đủ căn cứ xác định là đất Quốc phòng không? Xác định nguồn tiền đầu tư, đường đi dòng tiền không thể tự nhiên mà có, không thể vô thừa nhận? Giải quyết quyền và lợi ích chính đáng của những tổ chức, cá nhân đã góp vốn ban đầu, các tổ chức cá nhân đã giao dịch với xí nghiệp 4 công ty Hà Thành sau này ra sao? Quyền và nghĩa vụ giữa pháp nhân cũ (Cty Long Giang) và pháp nhân mới (Cty Hà Thành) giải quyết thế nào để không tổn hại đến hình ảnh tổ chức Quân đội nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào tâm đức của những người trong cuộc.
Vì những lí lẽ đó, mà qua kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị lên UBND thành phố tạm dừng dự án Hà Thành – Đại Thịnh.
Minh Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét